Quan trọng nhất là người dân nắm vững kỹ thuật
Mô hình chăn nuôi gà địa phương thả vườn thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Nam do Tổ chức Save the Children tài trợ với sự Tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) đã kết thúc được 5 tháng. Chúng tôi có dịp trở lại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên thăm gia đình ông Võ Đình Trung (62 tuổi) và chứng kiến đàn gà vẫn đang phát triển tốt, trứng gà giống được ông phân phối cho nhiều gia đình khác trong vùng. Ông Trung chia sẻ “Gia đình tôi được dự án hỗ trợ giống, vật tư, …và quý giá nhất là được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, …. Thành công có được hôm nay, là tôi đã nắm vững và áp dụng đúng qui trình kỹ thuật của dự án”.
Nỗi lòng người thương binh
Xã Duy Tân nằm cách di sản văn hóa thế giới – Thánh địa Mỹ Sơn 5 km về hướng Bắc, nằm trên bờ Nam sông Thu Bồn với không ít những vết thương do chiến tranh. Một mảnh đất ken dày bia tưởng niệm, một xã chưa đầy 6000 dân nhưng có tới 1500 liệt sỹ, 129 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mảnh đất ấy xưa đến nay vẫn lấy nông nghiệp làm trọng bởi các ngành nghề khác còn khá ít phát triển.
Ông Võ Đình Trung (trú tại thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) cũng như nhiều người con xứ Quảng sinh ra mong thời kỳ đất nước bị chia cắt, đã nguyện cống hiến tuổi trẻ nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bước qua chiến tranh và về lại quê hương, ông là thương binh hạng nặng bởi một chân mãi mãi gửi lại chiến trường cùng nhiều thương tích đầy mình.
Ông Trung luôn canh cánh trong lòng làm sao để cải thiện kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học khi đôi vai bé bỏng của người vợ đang thay mình làm trụ cột gia đình. Vùng đất ven sông Thu Bồn Duy lại chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán ngày ngày gay gắt hơn, cái nắng mưa giờ đây cũng bất thường nên việc chăn nuôi thả rông như trước đây đã không còn phù hợp mà gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh.
Tiếp cận kỹ thuật
Thấy việc chăn nuôi gà là phổ biến, phù hợp với hầu hết các loại hộ ở nông thôn, nhất là hộ nghèo vì nuôi gà vốn đầu tư thấp, sản phẩm dễ tiêu thụ. Dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm” đã khảo sát và xây dựng mô hình “chăn nuôi gà địa phương thả vườn thích ứng biến đổi khí hậu” tại tỉnh Quảng Nam.
Tháng 4 năm 2014, cuộc họp của dự án giới thiệu mục tiêu mô hình và tiêu chí chọn hộ về tới xã Duy Tân. Ông Trung lần đầu tiên nghe tới những khái niệm về biến đổi khí hậu và nuôi gà thích ứng biến đổi khi hậu đầy lạ lẫm. Nhưng rồi, với quyết tâm của một người hằng mong đỡ đần được phần nào gánh nặng cho vợ con “cho đôi chân tàn mà không phế” ông đã đăng ký thực hiện mô hình nuôi gà của dự án.
Vài tuần sau, cán bộ dự án về nhà ông khảo sát và thẩm định năng lực. Ông đã được dự án chọn hỗ trợ xây dựng mô hình. Ngay sau đó, ông được hỗ trợ 50 con gà giống, một số thức ăn, phương tiện để chăm sóc và một số vật liệu để làm chuồng nuôi gà. Quan trọng nhất là ông Trung được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng để nuôi gà theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi tới thăm gia đình ông Trung vào một ngày đầu hè, sau trận lũ đầu tháng thì nhiệt độ ngoài trời là 39-40 độ C. Đứng dưới giàn dây leo có bầu, có hoa thiên lý râm mát với những lá dừa che mái ông Trung phấn khởi: “Chính nhờ hệ thống sân chơi phía trước chuồng gà được rào bằng tre cao trên 2m có bao bọc bởi lưới B40 thông thoáng; trên giàn trồng dây leo nên khả năng chống nóng tốt vào mùa hè, trời nắng nóng, cung cấp rau, quả hàng ngày. Hệ thống dàn chống nóng này giúp cho gà có thể chơi mát mẻ trong sân vào những ngày hè khắc nghiệt và tăng lượng ăn cũng như sinh trưởng tốt hơn. Giàn dây leo này cũng là nguồn cung cấp thức ăn xanh bổ sung vitamin tự nhiên và chất xơ cho đàn gà”.
Bên cạnh tuân thủ quy trình xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ tư vấn dự án, ông Trung cũng tiêm phòng vắc-xin, khử trùng tiêu độc chuồng cho gà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lông óng mượt, … nên khả năng đề kháng và chống chịu khi thời tiết thay đổi thất thường rất tốt. Vào hôm trời nắng thì cho gà uống Vitamin C. Đồng thời, ông cũng thu gom chất thải và xử lý qua men vi sinh vật để giảm mùi, diệt khuẩn.
“Quả ngọt” đầu mùa
Trước đây, gia đình ông Trung nuôi gà thả rông, gà tự đào bới kiếm ăn tỉ lệ gà chết từ 30-40%, có chỉ còn vài con phục vụ cho gia đình thậm chí mất trắng. Từ thì khi áp dụng mô hình, tỉ lệ gà chết còn rất ít khoảng 5-10%. Chỉ sau 3 tháng nuôi gà, đàn gà của ông trung bình đạt 1,5 -2 kg, ít bệnh tật tỷ lệ nuôi sống đến 90%, sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon với giống gà Ri thả rông. Từ những con giống đầu tiên, giờ đây chuồng gà ông đã chia làm 3 độ tuổi gồm gà con, gà choai và gà sinh sản. Cho đến thời điểm chúng tôi đến thăm, đà gà ông Trung đã cho hơn 200 quả trứng và ông đã cung cấp cho 2 hộ làm giống trong đó có một hộ là lò thu mua.
Từ kinh nghiệm thực tế và những bài học chăn nuôi gà của mình Ông Trung đúc rút “Mô hình này hiện có nhiều người trong xã tới học tập. Theo tôi, quan trọng nhất để đạt được kết quả tốt là phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện, một số hộ chăn nuôi đã bỏ qua quy trình, chưa xây dựng chuồng trại kiên cố theo thiết kế nên dẫn đến hiệu quả mô hình chưa cao. Dù đây chỉ mới là “quả ngọt đầu mùa” thế nhưng theo tôi thì mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng”.
Chú thích ảnh:
Bảo Hòa