Chuồng heo ở Ba Xa thời… Biến đổi khí hậu

Trước đây, chúng tôi chưa biết kỹ thuật  xây chuồng heo và chuồng bò thế nào là chống rét, chống nóng, kiên cố… Bao đời nay, người dân quen thả rông heo, bò vào rừng hoặc có chuồng cũng chỉ làm tạm bợ. Nhờ được học qua lớp tập huấn và thực hành, giờ tôi tự tin mình có đủ kinh nghiệm để chỉ dạy lại cho một số thợ khác đi xây chuồng heo, chuồng bò ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, đi đến đâu người dân cũng gọi tôi trìu mến với cái tên anh “ Rừng thợ cả”, tôi vui lắm.” Anh Đinh Văn Rừng, người H’rê đội trưởng đội xây dựng của dự án Plan tại xã Ba Xa (Huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) phấn khởi tâm sự.  Lũ lụt, bão bùng hay hạn hán nóng nực không ngớt… là những hậu quả dễ thấy ở miền Trung nơi vốn có khí hậu khắc nghiệt, thời biến đổi khí hậu thiên tai lại càng khó lường.  Biến đổi khí hậu giờ đây đã không còn là chuyện bàn trong các cuộc hội thảo phòng thí nghiệm của các nhà khoa học, chuyện trong phòng họp của các chính trị gia, biến đổi khí hậu đã là câu chuyện của cả cộng đồng. DSC_0207 Người dân thường xuyên nói chuyện với nhau về những diễn biến bất thường của thời tiết. Trong đó, nông dân chân lấm tay bùn cũng không thể không quan tâm tới đồng ruộng chết cháy vì sông suối khô cạn, con trâu con bò thiếu cỏ mà chết trong rét mướt, dịch bệnh… Nông dân Ba Tơ, Quảng Ngãi lại càng không phải là ngoại lệ. Họ đang phải gồng mình lên tìm cách ứng phó với những cảnh báo về về sự “dữ dằn” của thiên nhiên đã và đang trở thành sự thực. Tương lai của con em cần được bảo vệ ngay từ bây giờ trước khi tất cả chỉ còn sự nuối tiếc vì hành động quá muộn màng. Đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương này, năm 2012 Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm do tổ chức Plan tại Việt Nam hỗ trợ bắt đầu khởi động tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Theo đó, 4 xã Ba Tô, Ba Dinh, Ba Bích và Ba Xa là các xã được hưởng lợi từ dự án. Anh Rừng kể: “Hồi chưa có cán bộ dự án lên vùng núi Ba Xa chúng tôi có biết biến đổi khí hậu là gì đâu. Nuôi gia súc thì thả quanh sông suối hay trên núi mùa đông thì chết rét, mùa hè thì dịch bệnh… rủi ro thường xuyên rình rập. Giờ thì khác rồi”. Rừng vừa nói, vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xã. Rừng giới thiệu: đội thợ của anh gồm 10 người, tính tới thời điểm này đã cùng nhau xây dựng tổng cộng 47 chuồng cả hai đợt 1 và 2. Trước khi được dự án Plan tập huấn, Rừng cùng đội thợ đều mới làm phụ hồ xây nhà chưa biết cách đọc bản vẽ. Những ngày không có việc làm họ đi rừng, bóc keo thuê… thu nhập bấp bênh. Sau khi được dự án Plan mà cụ thể là cán bộ Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung tập huấn và cầm tay chỉ việc, nên  giờ anh có thể dạy lại cho đội thợ cũng như bất cứ ai muốn học hỏi. Quan trọng hơn, dự án đã cho các anh thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.  Rừng giải thích cặn kẽ các yếu tố kỹ thuật của một chiếc chuồng của dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu khác với chiếc chuồng bình thường ra sao. Anh phân tích, trước đây người dân muốn cho heo ăn phải gọi heo về.. Bây giờ, đến bữa chuồng có máng ăn, máng nước họ chỉ cần cho thức ăn vào máng là xong. Điều này vừa giúp cho bà con đỡ mất công sức dắt đi dắt về, bưng bê thức ăn mà lại an tâm vì không sợ heo đi lạc. DSC_0216 Bên cạnh đó, chuồng có giàn vừa có tác dụng chống nóng cho heo vừa có thể tận dụng để các nông cụ như: bừa, cày, cuốc. Các chuồng heo chủ yếu được xây bằng bê tông với các trụ chắc chắn, phía trước và phía sau được thiết kế có bạt che chắn khi trời mưa thả xuống để làm ấm chuồng, khi nắng thì kéo lên thoáng mát. Mái của chuồng được đóng đinh kiên cố, nóc buộc dây kẽm và có lốp xe chằng chống phòng khi có gió to, lốc và bão… Đặc biệt, theo anh “Rừng Thợ cả” nhờ có hố phân mà tình trạng ô nhiễm do bốc mùi hôi thối tràn lan như trước đây đã được giảm thiểu đáng kể. Đó là chưa kể đến việc hàng xóm nhiều khi xích mích nhau cũng vì chuyện phân bò phân heo giờ đây đã không còn. Qua thực tế xây dựng, với tâm huyết của người “thợ cả” Rừng cho biết: nguyện vọng của nhiều người dân xã Ba Xa là được hỗ trợ xây chuồng dài thêm nữa, rộng thêm nữa. “Được gọi là anh thợ cả thì vui thật nhưng nhiều khi thấy trách nhiệm nặng nề lắm. Khi suôn sẻ người dân hợp tác không sao, một vài hộ chậm đóng góp cây, ngày công làm tiến độ bị chậm lại mình phải đến nhà vận đồng cả chục lần họ mới hiểu”, Anh Rừng cười hiền.

Bảo Hòa

 

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *