Đánh giá rủi ro thảm họa tại trường học

Vừa qua, 7 trường tiểu học trên địa bàn TP. Quy Nhơn và TP. Tuy Hòa là trường tiểu học số 1 Nhơn Bình, số 2 Nhơn Bình, trường tiểu học Hải Cảng, Hoàng Quốc Việt, Lê Quý Đôn, Lê Văn Tám, Bạch Đằng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội CTĐ tỉnh Bình Định và Phú Yên, đã tiến hành đánh giá rủi ro thảm họa (RRTH) tại trường học. Mục đích của việc đánh giá RRTH cho các trường học nhằm xác định được những nguy cơ, hiểm họa tại trường học, những điểm còn hạn chế, bất cập, cũng như năng lực của nhà trường trong công tác phòng ngừa và ứng phó với các hiểm họa này. Đánh giá RRTH trường học là một trong những bước rất quan trọng nhằm xây dựng mô hình trường học an toàn trong thiên tai, thảm họa – một mô hình còn khá mới hiện nay.

Để nâng cao năng lực và vai trò chủ động của các trường học trong việc tự bảo vệ chính mình, Hội CTĐ hai tỉnh Bình Định và Phú Yên không tự mình tiến hành đánh giá mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật. Đội ngũ đánh giá mỗi trường bao gồm 10 thành viên của Ban quản lý thảm họa trường học của từng trường. Đây chính là các thầy cô giáo đã được tham gia các khóa tập huấn Trường học an toàn do Hội CTĐ Đức và Hội CTĐ hai tỉnh phối hợp tổ chức từ tháng 11/2014 đến tháng 2 năm nay. Trường học an toàn không chỉ là chủ đề đáng quan tâm của giáo viên và học sinh mà còn của các bậc phụ huynh. Do đó, để có thể đánh giá toàn diện tình trạng RRTH của trường, qua 7 đợt đánh giá của 7 trường tiểu học nói trên, tổng cộng đã có 210 giáo viên, 210 học sinh và 210 phụ huynh trực tiếp tham gia vào hoạt động này.

Picture1

Các giáo viên, học sinh và phụ huynh của các em trường tiểu học số 1 Nhơn Bình (TP.Quy Nhơn) cùng thảo luận về chủ đề lịch sử thiên tai tại trường học và các khu vực lân cận dưới sự điều hành của các thầy cô giáo trong nhóm đánh giá

Anh Võ Chi – trưởng ban đại diện Phụ huynh học sinh trường tiểu học Hải Cảng chia sẻ: “Người dân chúng tôi đôi khi cũng mù mờ về thiên tai, thảm họa, và thiệt hại lắm. Những hoạt động như thế này thực sự đã giúp chúng tôi mở rộng tầm hiểu biết của mình. Thêm vào đó, khi có thiên tai xảy ra thì các cháu thường dễ bị sốc về mặt tinh thần. Tôi cho rằng hoạt động đánh giá này đã chuẩn bị tinh thần cho các cháu, giúp các cháu chủ động ứng phó hơn khi thiên tai xảy ra. Bao giờ cũng vậy, nếu chúng ta có kế hoạch phòng tránh trước để chủ động ứng phó tốt hơn thì sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.”

IMG_2523

Anh Võ Chi (thứ hai từ phải qua) đang cùng các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh tiến hành công cụ “lịch hoạt động”

Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Thu Hà, giáo viên môn Mỹ thuật, hào hứng chia sẻ: “Thật hiếm có những hoạt động nào mà cả giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng phối hợp thực hiện với nhau như thế này. Tôi thấy các em và cha mẹ các em tham gia đánh giá rất tích cực và thích thú. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động khác mà giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng tham gia như vậy để học hỏi lần nhau.” Khi được hỏi là hoạt động đánh giá này có thay đổi cá nhân suy nghĩ hay hành động gì của cô không, cô Hà tâm sự: “Là một giáo viên dạy mỹ thuật, trước đây tôi cũng chưa quan tâm đến việc lồng ghép chủ đề phòng chống thiên tai, thảm họa vào bài giảng của mình lắm. Còn từ bây giờ trở về sau, tôi sẽ chủ động tích hợp vấn đề này vào bài học để hướng dẫn các em những việc nên làm và không nên làm trong phòng chống thảm họa, thiên tai.”

Cô Hà (áo màu cam) đang cùng các em học sinh và phụ huynh vẽ sơ đồ trường tiểu học Hải Cảng và khu vực dân cư xung quanh trường

Cô Hà (áo màu cam) đang cùng các em học sinh và phụ huynh vẽ sơ đồ trường tiểu học Hải Cảng và khu vực dân cư xung quanh trường

IMG_2539

Giáo viên, phụ huynh và các em học sinh trường tiểu học Hải Cảng cùng thực hiện cây vấn đề để xác định các hiểm họa của trường học

IMG_3339

Quang cảnh buổi phổ biến chương trình đánh giá RRTH trường học tại trường tiểu học Hoàng Quốc Việt (TP.Quy Nhơn)

Sau khi tổng hợp kết quả của các nhóm đánh giá, Ban quản lý RRTH trường học cùng với hội đồng giáo viên đã căn cứ vào các kết quả thu thập được để lập kế hoạch xây dựng trường học an toàn cho chính trường của mình. Bảng kế hoạch cũng đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình, kêu gọi sự tham gia của ngành giáo dục, chính quyền, tổ chức và cá nhân bên ngoài, để cùng chung tay xây dựng mô hình trường học an toàn hiệu quả hơn.

Mặc dù trong quá trình thực hiện, nhóm đánh giá cũng như các thành viên tham gia đánh giá còn bộc lộ những hạn chế về mặt phương pháp, sử dụng công cụ đánh giá, kỹ năng thu thập thông tin,…hoạt động này đã được nhà trường và phụ huynh đánh giá cao và tham gia rất nhiệt tình. Tín hiệu tích cực nhất chính là nhà trường, phụ huynh, và các em học sinh đã thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc bảo vệ chính trường học của mình trong thiên tai, thảm họa./.

Bùi Thị Minh Châu
Văn phòng dự án GRC tại tỉnh Bình Định

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *