Mô hình nuôi gà an toàn dịch bệnh thích ứng Biến đổi khí hậu

Bối cảnh/Bối cảnh ra đời của mô hình tại địa phương

Khái quát thêm về tình hình chăn nuôi gà của địa phương (báo cáo đánh giá, báo cáo tổng kết của Trung tâm KN tỉnh)

Chăn nuôi gà rất phổ biến và phù hợp với hầu hết các loại hộ ở nông thôn, nhất là hộ nghèo. Nuôi gà có vốn đầu tư thấp, sản phẩm dễ tiêu thụ. Người dân ở hầu hết các xã vùng dự án của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại tỉnh Quảng Nam sống ở vùng ven biển có nhiều độn cát cao, có vườn rộng thuận lợi để chăn nuôi gà. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các hộ dân ở nơi đây nuôi gà theo phương thức thả rông. Chăn nuôi gà ở đây lại phải đối mặt thường xuyên với dịch bệnh do chuyển mùa, thời tiết, khí hậu thay đổi. Do vậy, địa phương cần thiết phải hướng người dân nuôi gà để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động giúp người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi gà bền vững.

Địa điểm và thời gian thực hiện mô hình:

Địa điểm thực hiện mô hình:

Giới thiệu thông tin sơ bộ về vùng thực hiện dự án (Xã Duy Tân, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Nam (huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam, Việt Nam)

Thời gian thực hiện mô hình: 22/08 – 15/11/2014

Mục đích của mô hình: Giúp người dân chăn nuôi gà có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập.

Phương pháp xây dựng

Cách tiếp cận

Xây dựng mô hình chăn nuôi có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên tập quán sản xuất và kinh nghiệm sẵn có của các hộ hưởng lợi.

Các bước thực hiện

  • Chọn hộ tham gia hoạt động chuyển giao/mô hình: chọn hộ tham gia theo các tiêu chí của dự án theo nguyên tắc công khai, dân chủ và khách quan.
  • Tập huấn kỹ thuật:
  • Kỹ thuật làm chuồng trại: Người dân và cán bộ cùng thảo luận và trao đổi về bản thiết kế chuồng trại, thống nhất các nội dung trước khi xây dựng;
  • Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn ứng phó với biến đổi khí hậu: Chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, …
  • Xây dựng chuồng trại và chuẩn bị các dụng cụ chăm sóc nuôi dưỡng: tuân thủ quy trình xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ tư vấn dự án.
  • Chọn mua giống:
  • Giống gà sử dụng là giống là địa phương và phải có nguồn gốc rõ ràng. Phải mua giống tại các cơ sở an toàn. Phải kiểm tra chất lượng giống khi mua. Không được mua gà con ở chợ hoặc người đi bán hàng rong.
  • Gà mua ở 3-4 tuần tuổi (đã được phòng vắc xin lasota lần 1, 2, Gumbro, cầu trùng), gà khỏe mạnh, lông bóng mượt, khối lượng trên trung bình của phẩm giống.
  • Tiến hành chăn nuôi, chăm sóc và nuôi dưỡng: tiến hành theo các kỹ thuật đã được hướng dẫn và tập huấn.
  • Tổng kết & đánh giá: Sau khi hoàn thành các nội dung của việc xây dựng mô hình (khoảng 01 chu kỳ nuôi gà) sẽ tiến hành tổng kết đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện. Với các nội dung đánh giá chủ yếu: Tình hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của mô hình; Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của mô hình; Hiệu quả kinh tế và kỹ thuật của mô hình; Hiệu quả về môi trường và tính bền vững.
  • Tư liệu hóa bài học kinh nghiệm: Quá trình thực hiện mô hình của các hộ tham gia ở tất cả các công đoạn từ xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh đều được thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động tư liệu hóa. Mỗi mô hình sẽ có 01 hồ sơ quản lý trước, trong và sau khi thực hiện mô hình.

Tóm tắt mô hình (nên chắc lọc thêm thông tin để toát lên được những can thiệp và kết quả của mô hình)

Mô tả các can thiệp chính về mặt kỹ thuật/giải pháp:

  • Thiết kế và xây dựng chuồng phù hợp để giảm tác động của thời tiết, khí hậu thay đổi đến gà (đặc biệt là lạnh và nóng): Chuồng trại được lợp bằng ngói, có cửa sổ thông thoáng, làm dưới bóng cây cao, làm dàn chống nóng bằng các vật liệu địa phương (lá dừa, cau, cây leo như bầu bí…). Móng được xây 1 lớp blo nằm, 1 lớp blo nghiêng, tường 2 đầu hồi xây bằng gạch blo nghiêng kín tận nóc. Nhưng một đầu hồi có trừ cửa ra vào chuồng gà. Tường sau và tường trước xây bằng gạch nghiêng cao, phía trên (mặt trước và sau) được che bằng lớp lưới mắt cáo kẽm để thông thoáng nhưng chống được chuột vào chuồng gà. Mặt ngoài lưới tường trước và sau có rèm (bằng vải bạt hoặc tre đan), đảm bảo dễ đóng mở để điều tiết khí hậu trong chuồng và tránh mưa ướt khi trời mưa.
  • Sử dụng giống gà địa phương có khả năng thích ứng tốt với điều kiện địa phương: sử dụng giống gà Ri tại địa phương là giống có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, phong tục, tập quán chăn nuôi tại địa phương;
  • Áp dụng quy trình phòng dịch tổng hợp để giảm dịch bệnh cho chăn nuôi gà: tiêm vaccine đầy đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng gà, có lưới rào xung quanh để giảm dịch bệnh cho gà khi thời tiết thay đổi thất thường;
  • Tận dụng nguồn thức ăn địa phương, hạn chế thức ăn công nghiệp: khẩu phần thức ăn của gà bao gồm các thành phần như ngô vàng, cám gạo, gạo lứt, thức ăn đậm đặc, premix vitamin và premix khoáng. Ngoài ra, nước uống luôn có sẵn và được pha thêm các chất giải nhiệt, vitamin C, kháng sinh tổng hợp.
  • Thu gom chất thải để quản lý và xử lý bằng men vi sinh vật để giảm phát thải mùi và khí gây hiệu ứng nhà kính.

Kết quả: (hộ hưởng lợi; diện tích; số xã thực hiện, ..)

Mô hình được tiến hành ở 3 xã Duy Nghĩa, Duy Tân (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Nam (huyện Duy Thăng Bình), Quảng Nam với 71 hộ hưởng lợi. Cụ thể số lượng các hộ hưởng lợi như sau: xã Duy Nghĩa: 15 hộ; xã Duy Tân: 35 hộ và xã Bình Nam: 21 hộ.

Khi tham gia thực hiện mô hình, các hộ hưởng lợi được hỗ trợ 100% giống, 50% vật liệu làm chuồng, thức ăn và một số phương tiện để chăm sóc, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc để đàn gà thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Điểm khác biệt của mô hình chăn nuôi gà Ri thả vườn thích ứng với biến đổi khí hậu là thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng bán thâm canh với chuồng nuôi kiên cố và có lưới quây.

Hiệu quả: (kinh tế, môi trường, an sinh xã hội)

  • Hiệu quả về mặt kinh tế: gà ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao tuy nhiên chất lượng gà giống được cung cấp cho các hộ thực hiện thí điểm chưa đạt chuẩn và không được ưa chuộng trên thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
  • Hiệu quả về mặt môi trường: chuồng trại được xây dựng thông thoáng, định kỳ thu phân, thay chất độn chuồng và thực hiện việc ủ phân theo phương pháp sinh học. Vì thế mùi hôi do phân khi nuôi gà giảm và thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và các nhân tố trung gian truyền bệnh. Ngoài ra, chuồng được thiết kế chống nóng, chống lạnh nên có khả năng thích ứng tốt với môi trường, thời tiết thay đổi đột ngột (nóng/lạnh).
  • Hiệu quả về mặt an sinh xã hội: tăng thu nhập và đảm bảo công ăn việc làm cho người dân các hộ nghèo, cận nghèo và trung bình trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan (nắng nóng, rét/lạnh).

Tình trạng hiện nay (đã kết thúc, đang triển khai, nhân rộng): đã kết thúc.

Ý nghĩa thích ứng và bài học

Ý nghĩa thích ứng: mô hình nuôi gà an toàn, ít dịch bệnh và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng nắng nóng, rét/lạnh.

Tính đặc sắc và khác biệt với hoạt động truyền thống/thông thường: So với cách nuôi truyền thống trước đây (nuôi gà ta thả rông, gà tự đào bới kiếm ăn, chỉ bổ sung thức ăn lúc sáng sớm và chiều tới, lúc mưa gió, thời tiết thay đổi không biết can thiệp gì, không biết điều trị lúc gà bị ốm nên gà có tỷ lệ chết cao (trung bình 30-40%), thậm chí có lúc mất trắng, gà chậm lớn (6-8 tháng mới giết thịt) và nuôi gà chỉ phục vụ cho kỵ giỗ là chính. Tuy nhiên khi áp dụng mô hình nuôi gà an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu dịch bệnh của gà giảm đáng kể, bà con đã biết cách chọn gà tốt để nuôi. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, có chuồng kiên cố để nhốt gà, can thiệp chống nóng, chống lạnh lúc thay đổi thời tiết cho gà nên gà nuôi mau lớn, cân nặng hơn (chỉ nuôi 3 tháng gà đã đạt trung bình 1,5-1,6 kg có con đã đạt > 2 kg), ít bệnh tật, tỷ lệ nuôi sống cao (>90% đối với hai xã dự án Duy Tân và Bình Nam), sinh trưởng nhanh (80 ngày nuôi), thịt thơm ngon giống với gà Ri thả rông.

Bài học kinh nghiệm:

  • Qui trình chọn và thẩm định hộ hưởng lợi kỹ lưỡng: việc chọn và thẩm định các hộ hưởng lợi có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình. Các hộ hưởng lợi có khả năng tiếp thu tốt các hướng dẫn và quy trình thực hiện mô hình thì khả năng chống dịch bệnh, thích ứng tốt với các hiện tượng cực đoan của thời tiết (nắng, nóng, rét/lạnh).
  • Xác định đúng đối tượng cần can thiệp/hưởng lợi: việc xác định đúng đối tượng hưởng lợi là các hộ nghèo, cận nghèo, là những đối tượng dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu. Xác định đúng người cần sự giúp đỡ và bảo trợ là việc làm khá khó khăn và mất thời gian. Tuy nhiên, nếu hoạt động này được thực hiện tốt, dự án sẽ góp phần giúp những người dễ bị tổn thương tăng thu nhập và duy trì cuộc sống bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điều này làm tăng hiệu quả tích cực của dự án.
  • Chọn cơ sở cung ứng giống để cung cấp cho người dân: gà giống chất lượng kém, không được ưa chuộng tại địa phương nên tỷ lệ gà chết cao và giá bán thấp. Do đó, để mô hình thực hiện thành công và có hiệu quả kinh tế cao, nhóm thực hiện dự án cần phải chọn cơ sở cung ứng giống đảm bảo chất lượng, chọn giống được ưa chuộng và có hiệu quả kinh tế cao.
  • Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi gà: trong quá trình thực hiện có một số hộ chăn nuôi không tuân thủ đúng quy trình, chưa xây dựng chuồng trại kiên cố theo thiết kế vì thế hiệu quả của mô hình nuôi chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Vì thế, trong quá trình thực hiện mô hình, các cán bộ tư vấn thực hiện mô hình phải có cách thức đảm bảo các hộ hưởng lợi tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật cũng như các hướng dẫn thực hiện quy trình của dự án.

Khả năng nhân rộng:

  • Khả năng nhân rộng cao
  • Áp dụng cho cả vùng cát và vùng đồi ở miền Trung
  • Phù hợp cho các hộ nghèo, cận nghèo và trung bình

Khuyến nghị:

  • Nên có những nghiên cứu đối chứng chuyển sâu hơn để có thể đánh giá chính xác về tính hiệu quả cũng như khả năng thích ứng với nắng nóng và rét/lạnh;
  • Chia sẻ kinh nghiệm và các kỹ thuật nuôi gà thích ứng với biến đổi khí hậu rộng rãi trong cộng đồng ở các địa phương khác.

MỘT VÀI HÌNH ẢNH MINH HỌA

Đàn gà của ông Lê Đình Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam phát triển rất tốt, đạt trọng lượng trung bình khoảng 2kg sau 3 tháng nuôi dưỡng

Hình 2

Hình 1

 

 

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *