Mô hình thích ứng trồng rau ăn lá thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Nam

Tài liệu dung cho Hội thảo – Tập huấn ngày 10-13/4 tại Tam Kỳ, Quảng Nam

Bối cảnh/Bối cảnh ra đời của mô hình tại địa phương

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới.Thích ứng với BĐKH là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm bền bỉ và không ngừng hoàn thiện, đồng thời nó có quan hệ tương hỗ với chiến lược giảm nhẹ BĐKH. Đối với ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu yêu cầu xác định được các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa thích ứng, giảm nhẹ và an ninh lương thực. Dựa vào các điều kiện cũng như năng lực cụ thể ở từng địa phương từ đó sẽ xác định các thách thức cũng như cơ hội để từ đó lựa chọn được mô hình và chính sách phù hợp.

Trên thế giới có rất nhiều sáng kiến của cộng đồng nhằm thích ứng với những hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu. Các mô hình sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng đã đem lại lợi ích rất lớn cho người tham gia. Trong từng điều kiện cụ thể với những tác động của biến đổi khí hậu thì các nguồn lực và năng lực sẵn có của cộng đồng để chống chịu và thích ứng với các điều kiện khí hậu cực đoan là rất quan trọng. Như vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính địa phương. Vì vậy việc lựa chọn mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu để áp dụng và nhân rộng cho một địa phương cụ thể là rất quan trọng.

Rau là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để trồng được rau trong những điều kiện thời tiết bất thuận, như nắng nóng vào mùa hè phải có những biện pháp kỹ thuật để thích ứng. Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá trong điều kiện mùa nắng từ đó cung cấp nguồn sản phẩm rau trong điều kiện bất thuận của thời tiết là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình Thích ứng Khí hậu lấy Trẻ em làm Trọng tâm tại Việt Nam do tổ chức Save the Children thực hiện, để giúp người dân nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Địa điểm và thời gian thực hiện xây dựng:

Xã Bình Nam – huyện Thăng Bình , xã Duy Nghĩa và xã Duy Tân – huyện Duy Xuyên – tỉnh Quảng Nam

Mục đích của mô hình:

Giúp người dân trồng được rau xanh an toàn trong điều kiện thời tiết/khí hậu bất lợi vào mùa mưa và mùa nắng.

Mục tiêu của mô hình:

  • Lựa chọn mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ phù hợp với điều kiện địa phương;
  • Tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau ăn lá an toàn trái vụ
  • Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ;

Phương pháp xây dựng

Cách tiếp cận

Sử dụng phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp phân tích đánh giá có sự tham gia, áp dụng phương pháp phân tích ưu điểm, nhược điểm, cơ hội, nguy cơ, thách thức (SWOT) và kinh nghiệm chuyên gia nhằm tìm ra mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Nam.

Các bước thực hiện

  • Phân tích, đánh giá các hiện tượng thời tiết cực đoan, khảo sát thực tế về điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới để lựa chọn mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ phù hợp với điều kiện địa phương
  • Chọn hộ tham gia hoạt động chuyển giao/mô hình
  • Tập huấn kỹ thuật
  • Xây dựng nhà lưới và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để sản xuất rau an toàn trái vụ
  • Tiến hành trồng, chăm sóc một số loại rau ăn lá an toàn trái vụ phù hợp với điều kiện địa phương;
  • Tổng kết & đánh giá
  • Tư liệu hóa bài học kinh nghiệm

Tóm tắt mô hình

Mô tả các can thiệp chính về mặt kỹ thuật/giải pháp:

Xây dựng mô hình nhà lưới tùy theo điều kiện kinh tế của hộ có thể dùng cột bê tông, cột gỗ, cột tre, vật liệu làm đòn tay làm bằng gỗ hoặc tre. Lưới đen che nắng khổ 4m x …m, độ che nắng 70-80% và lưới chắn côn trùng màu trắng khổ 2m x …m.

 

Tính toán thiết kế hệ thống tưới phun mưa: thiết kế sơ đồ đường ống, chọn đường ống dẫn nước, chọn vòi phun, bố trí vòi phun, xác định áp lực vòi tưới, tính toán chọn máy bơm phù hợp;

Lựa chọn một số loại rau có khả năng trồng với điều kiện bất thuận ở địa phương đồng thời phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương nhằm đảm bảo đầu ra khi mô hình được nhân rộng;

Tập huấn kỹ thuật làm đất, xử lý đất trồng, nguồn nước, hạt giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại cho từng loại rau ăn lá cụ thể.

Kết quả: (hộ hưởng lợi; diện tích; số xã thực hiện, ..)

  • 15 hộ gia đình/3 xã tham gia hưởng lợi từ dự án
  • Xây dựng mô hình nhà lưới với diện tích 100m2/hộ
  • Dự án hỗ trợ cho mỗi hộ: 100m2 lưới đen để giảm cường độ nắng, 100m lưới màn trắng chắn côn trùng.
  • Thiết kế hệ thống tưới phun mưa.
  • Hỗ trợ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hiệu quả: (kinh tế, môi trường, an sinh xã hội)

  • Hiệu quả kinh tế: Lãi thu được khoảng 515.000 đồng/100m2, trong thời gian gieo trồng 30 ngày/vụ (cách làm cũ lãi khoảng 300.000 đồng/vụ). Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.
  • Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở địa phương.
  • Lượng phân bón sử dụng ít lại
  • Sâu bệnh hại ít nên lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm, tốt cho sức khỏe người lao động cũng như người tiêu dùng, tốt cho môi trường.
  • Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động.
  • Chi phí đầu tư ít, ít tốn công chăm sóc hơn so với các cây trồng khác
  • Thời gian sản xuất ngắn ngày nên rút ngăn được thời gian thu hồi vốn.
  • Chất lượng rau của mô hình đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tình trạng hiện nay (đã kết thúc, đang triển khai, nhân rộng)

Trong khuôn khổ dự án do Trung tâm phát triển nông thôn Miền trung, trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện có 15 hộ gia đình/3 xã tham gia hưởng lợi từ dự án đã kết thúc, các hộ được dự án hỗ trợ vẫn tiếp tục trồng các loại rau ăn lá trái vụ trên diện tích  được đầu tư. Mặt khác, chương trình Thích ứng Khí hậu lấy Trẻ em làm Trọng tâm tại Việt Nam do tổ chức Save the Children thực hiện, để giúp người dân nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu dự án tiếp tục hỗ trợ triển khai nhân rộng mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ đến các xã khác trong phạm vi tỉnh Quảng Nam

Ý nghĩa thích ứng và bài học

Ý nghĩa thích ứng

  • Mô hình đã tận dụng được diện tích đất cát bỏ hoang, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương;
  • Giúp giảm thiểu các tác hại của các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và hạn hán;
  • Việc duy trì canh tác lâu dài trên đất cát kết hợp với bón phân hợp lý sẽ giúp cải tạo đất cát vốn nghèo dinh dưỡng.
  • Chi phí sản xuất thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo.

Tính đặc sắc và khác biệt với hoạt động truyền thống/thông thường

  • Bố trí loại rau màu phù hợp với điều kiện sử dụng nước;
  • Giảm công lao động tưới và chi phí bơm nước đến 50% ;
  • Giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường;
  • Trồng rau trái vụ với sản phẩm đa dạng sẽ giúp cho sản phẩm dễ tiêu thụ, bán được giá cao hơn so với chính vụ.
  • Tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế cao;

Bài học kinh nghiệm

Tuỳ theo điều kiện tính chất của sản xuất mà chúng ta có thể xây dựng nhà lưới kín, hở, kiên cố, bán kiên cố… Tuy nhiên, theo yêu cầu chung nhà lưới có tác dụng lớn nhất vẫn là giúp khống chế các điều kiện bất lợi của thời tiết nắng mưa… giúp cây phát triển bình thường trong các điều kiện bất lợi, chủ động được kế hoạch sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động.

Cần áp dụng triệt để các biện pháp IPM trong phòng trừ dịch hại. Nếu làm tốt công tác này thì đây là phương pháp hiệu quả nhất không những về kinh tế mà còn đem lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, tiêu dùng và môi trường.

Khả năng nhân rộng:

Quảng Nam là một tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc áp dụng và mở rộng mô hình trồng rau ăn lá an toàn trái vụ nhằm thịch ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan cho các xã trên đại bàn Tỉnh  là rất cần thiết. Hơn nữa, chi phí sản xuất thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo nên khả năng nhân rộng cao.

Khuyến nghị:

– Cần có quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch.

– Tìm các đại lý, cơ sở cung ứng các loại giống rau có chất lượng cao.

– Áp dụng và đăng ký nhãn hiệu rau sạch theo hướng VIETGAP.

– Tìm hướng ra cho sản phẩm khi quy mô sản xuất lớn.

 

 

 

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *