Tây Giang chuyện bếp xưa bếp nay
Với người Cơ tu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phong tục ngồi bếp và tặng củi là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời. Sử dụng bếp lửa truyền thống, phụ nữ hàng ngày phải lên rẫy, lên rừng đốn và gùi củi về. Thế nhưng, trong bối cảnh khan hiếm chất đốt và người phụ nữ cần được quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thì dự án Malteser International đã hỗ trợ thực hiện một chiến dịch truyền thông khuyến khích sử dụng bếp tiết kiệm củi. Ghi nhận của chúng tôi tại xã Bhalêe sau một thời gian ngắn thực hiện dự án giúp bà con vừa giữ được phong tục mà vẫn bảo vệ được sức khỏe, bảo vệ rừng.
Bếp thiêng là tâm hồn
Nhờ có chuyến tham quan 5 tỉnh nam miền Trung của Mạng lưới Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung (CCN), chúng tôi mới biết huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có đến 95% dân số là đồng bào Cơ tu. Đây là nơi còn lưu giữ rất nhiều lễ hội truyền thống, nghệ thuật và sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Cũng nơi đây, bếp từ xa xưa đã không chỉ đơn thuần là nơi để nấu nướng, gắn với chuyện những bữa ăn, thức uống hàng ngày mà Bếp còn là một phần tâm hồn của người Cơ Tu. Họ sử dụng bếp để sưởi ấm và chiếu sáng về đêm khi mà núi rừng Trường Sơn hoang lạnh và lắm thú dữ rình rập. Từ lúc dựng nhà Gươl người dân nơi đây đã nhóm lửa và quan niệm rằng đó là nơi thiêng liêng nhất trong ngôi nhà, sẽ cháy mãi để mang lại sự ấm no, hạnh phúc.
Vì bếp thiêng liêng như thế nên người Cơ tu cũng có nhiều điều kiêng kị, họ không đặt bếp vào chỗ nắng có thể chiếu đến vì cho rằng nắng và lửa đều nóng sẽ là điềm hung dữ. Họ cũng sẽ tắt bếp lửa đi nếu khách lạ hay vị khách mình không muốn tiếp; trẻ em không được tự tiện nhóm lửa. Nếu người làng hay khách ở xa đến mà không thấy ánh lửa hoặc khói bếp có nghĩa là chủ nhân không có nhà và không nên vào.
Cũng bên cạnh cái bếp, bao nhiêu câu chuyện sử thi, chuyện làm ăn, chuyện gia đình bộ tộc được truyền kể. Khói bếp ngàn năm nay đã quyện quanh các bản làng, thấm đượm lên da thịt của mỗi người Cơ tu như thế. Họ đặt chân hướng về bếp để sưởi ấm khi ngủ quanh những kệ bếp bằng gỗ, trong chứa đất sét đặt kiềng bên trên.
Đến Tây Giang, đi qua những khe suối hay những sườn đồi chúng ta thật dễ bắt gặp hình ảnh của các chị, các mẹ đi gùi củi. Không chỉ là gùi củi để sử dụng, họ còn xem những bó gủi tốt là món quà biếu tặng nhau vào khi trời đồng giá lạnh, đặc biệt là phía nhà gái thường là người chủ động tặng củi cho nhà trai. Chị Hồ Thị Hoa (Bhalêe, Tây Giang, Quảng Nam) cho biết “Cứ trung bình 3-4 ngày tôi lại đi gùi củi một lần. Mỗi lần như thế phải đi tầm 4-5 cây số mới có củi. Mà bây giờ củi càng ngày càng ít nên có thể phải đi xa hơn”.
Đến bếp cải tiến
Hiểu rõ văn hóa bản địa nhưng đau đáu về những mối nguy cơ cho sức khỏe cũng như nguồn tài nguyên môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhiều rủi ro thiên tai khác, Ban quản lý và các Ban thực hiện dự án “Khuyến khích bảo tồn bền vững tài nguyên rừng tại huyện Tây Giang” do tổ chức Malteser International tài trợ đã mạnh dạn tổ chức chiến dịch truyền thông rầm rộ và hỗ trợ cho người dân Tây Giang 50 cái bếp cải tiến được mua về từ tỉnh Bắc Giang.
Chúng tôi có dịp đến thăm nhà anh Alăng Với (thôn A Tép 2, xã Bhalêe, huyện Tây Giang). Anh Với phấn khởi tâm sự “Gia đình tôi sau khi tham dự các khóa tập huấn, hội thi vẽ tranh của dự án đã tự bỏ tiền để mua bếp cải tiến sử dụng. Chỉ với 135 ngàn đồng cho một cái, từ chỗ 3-4 ngày tốn một bó củi bây giờ có khi phải 20 ngày mới hết một bó”.
Bếp truyền thống là một phần tâm hồn của người Bhalêe nhưng sứ mệnh lịch sử của nó đã không còn phù hợp với điều kiện sống hiện tại của người dân nữa. Bởi những cánh rừng Tây Giang cũng như nhiều cánh rừng khác đang ngày càng cạn kiệt, củi càng ngày càng khan hiếm. Hơn nữa, những người phụ nữ lấy củi quá vất vả, họ trèo đèo lội suối với nhiều hiểm họa bất trắc rình rập. Chị A Vô Thị Bé – Hội phụ nữ thôn A Tép 2, xã Bhalêe cho biết “Sau một thời gian vận động, tập huấn. Những người được dự án hỗ trợ đã về tuyên truyền cho người dân Cơ Tu hiểu được những ưu điểm của bếp cải tiến”.
Theo bà con thì bếp cải tiến dễ sử dụng, nhóm lửa nhanh cháy, giảm lượng củi từ 50 – 60% và đặc biệt là ít khói. Chị Bé cho biết “Ngày trước con cái trong nhà cứ ho, mắc các bệnh về phổi. Ban đầu chúng tôi cũng không để ý nhưng sau khi tham gia các lớp tập huấn của dự án chúng tôi dần nhận ra đó có thể là do khói”.
Từ 50 cái bếp được dự án hỗ trợ, đến nay đã có tới 604 chiếc bếp được phụ nữ các xã đặt mua và nhờ dự án đem về. Đó là một thành công ngoài mong đợi. Anh Lê Hữu Lập, cán bộ dự án phụ trách tổ chức chiến dịch truyền thông khuyến khích sử dụng bếp tiết kiệm củi của Malteser International tại Tây Giang cho rằng“Phụ nữ đã được giải phóng bớt một phần công việc khỏi đôi vai của họ, người đàn ông cũng đã có ý thức giúp đỡ vợ, mẹ làm việc bếp núc. Và quan trọng hơn, trẻ em giảm bị các bệnh về đường hô hấp do khói cũng như ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao rõ rệt. Nhờ vậy, chuyện truyền thông không chỉ dừng lại ở việc thay đổi một cái bếp, mà còn làm được nhiều điều cho cộng đồng”./.
Tác giả Bảo Hòa
Một số hình ảnh: