Dự trữ rơm rạ cho chăn nuôi trâu bò ở vùng cao
Không những biết làm chuồng trại để nhốt trâu, bò, mà hiện nay nhiều hộ dân đồng bào Hre ở vùng cao huyện Ba Tơ còn có thói quen làm cây rơm để dự trữ rơm cho trâu, bò. Đó là những thay đổi có thể nhận thấy rõ nhờ những can thiệp, hỗ trợ của dự án “Thích ứng với Biến đổi khí hậu lấy Trẻ em làm Trọng tâm tại Việt Nam” được tổ chức Plan hỗ trợ đang triển khai tại đây với sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD).
Bốn xã gồm Ba Bích, Ba Dinh, Ba Tô và Ba Xa là những xã của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai các hoạt động dự án thuộc chương trình “Thích ứng Biến đổi khí hậu lấy Trẻ em làm trọng tâm tại Việt Nam” do tổ chức Plan vùng Quảng Ngãi hỗ trợ. Không chỉ hỗ trợ xây dựng chuồng trại một cách đơn thuần mà dự án còn tập trung hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân.
Vấn đề dự trữ thức ăn, đặc biệt là dự trữ rơm rạ cho trâu bò vào mùa mưa rét chưa thực sự được người dân vùng cao quan tâm. Tập quán chăn nuôi lạc hậu, chăn thả rông quanh năm, chuồng trại tạm bợ không có mái che; còn thức ăn thì dựa vào nguồn cỏ mọc tự nhiên trên rừng, đồi nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa rét là trâu, bò chết vì bị đói, rét, với số lượng vài trăm con, có năm số bị chết lên đến cả ngàn con. Bên cạnh việc xây dựng hỗ trợ chuồng trại, dự án cũng đã kết hợp chính quyền địa phương lồng ghép, tổ chức nhiều buổi chia sẽ kinh nghiệm và trực tiếp đến hộ hướng dẫn lấy rơm rạ, làm cây rơm, dự trữ nguồn thức ăn cho trâu bò vào mùa mưa rét.
Do người dân không có thói quen lấy rơm để dự trữ cho trâu bò ăn mà thường đốt rơm ngay ngoài ruộng hoặc bỏ đi gây ô nhiễm môi trường, … trong khi đó trâu bò lại không có thức ăn. Nhằm giúp người dân thay đổi thói quen cán bộ dự án đã kết hợp tổ chức nhiều buổi chia sẽ kinh nghiệm về chăn nuôi, … hướng dẫn các hộ cách lấy rơm, phơi khô rơm và cách làm cây rơm sao cho hiệu quả nhất để rơm không bị thối mục.
Với cách làm là cầm tay chỉ việc, hướng dẫn ngay tại hiện trường thế nên trước các buổi gặt ở ruộng cán bộ dự án đã xuống kết hợp hướng dẫn phơi bảo quản lúa bên cạnh đó là hướng dẫn luôn các hộ cách lấy rơm. Khi tuốt xong thì nên lấy rơm và phơi ngay để rơm được nắng, chỗ làm cây rơm phải cao ráo, thoát nước. Trụ làm rơm thì phải chọn cây chắc chắn. Khi làm rơm thì phải rải đều rơm và nén chặt. Chóp cây rơm thì dùng xô chậu hay bao ni lông buộc chặt để nước mưa không ngấm vào vào cây rơm mục hỏng. Nhờ đó mà các hộ dân chủ động được thức ăn cho trâu bò trong mùa mưa rét.
Bà Phạm Thị Hênh ở thôn Măng Mu, xã Ba Xa cho biết: Trước kia, vốn quen với việc thả trâu trên núi nên mỗi khi mùa mưa là bà lo sợ trâu chết vì trời rét và không có thức ăn, mà có đưa về nhà thì cũng không có cái gì cho trâu ăn. Từ ngày được dự án hướng dẫn lấy rơm rạ, phơi khô làm cây rơm dự trữ rơm rạ vào mùa đông bà có thể yên tâm đưa trâu về nhốt ở chuồng mà không lo sợ trâu bị đói nữa”.
Gia đình bà Phạm Thị Hênh có 4 con trâu. Nhờ cách làm này, nên đàn trâu, nhà bà trong năm nay phát triển khá tốt, nguồn thức ăn thì sẵn có quanh năm. “Mỗi năm tôi tích trữ rơm rạ 2 lần vào vụ đông xuân và vụ hè thu. Nhiều hộ trong thôn bà nuôi trâu bò nhiều, không chỉ tận dụng rơm trong ruộng mà còn đi xin thêm rơm rạ ở các ruộng khác về dự trữ.
Anh Phạm Văn Đon thôn Nước Lang xã Ba Dinh cho biết, bà con ở đây ít người thói quen làm “cây rơm” lắm. Do trâu bò thường thả rong trên núi ít khi đưa về nhà với lại do không làm cây rơm đúng kỹ thuật nên rơm thường hay bị ẩm mốc, hư hỏng không sử dụng được. Từ ngày được dự án hướng dẫn lấy rơm dự trữ và làm cây rơm đúng kỹ thuật, rơm được bảo quản tốt hơn nên vào mùa mưa rét cũng yên tâm vì có thức ăn dự trữ.
Ba Tơ là huyện miền núi có số lượng trâu bò lớn. Số lượng gia súc hiện nay khoảng 64 ngàn con gia súc, trong đó đàn trâu, bò trên 30 ngàn con. Số hộ có 2- 3 con trâu, bò trở lên khá phổ biến. Người chăn nuôi đã ý thức được giá trị của của con trâu, con bò nên hầu hết hộ nuôi đều đã làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc. “Bây giờ công tác tuyên truyền cũng dễ dàng hơn nhiều, nhận thức của người dân về dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho gia súc vào mùa đông đã và đang trở thành thói quen“- ông Phạm Văn Lương- Chủ tịch UBND xã Ba Dinh chia sẻ.
Ông Đinh Nam Oang, Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết: Ba Xa là một trong những địa bàn xa và khó khăn của huyện Ba Tơ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, được sự hỗ trợ của dự án Plan đã giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi thả rong, biết cách dự trữ rơm rạ đây thực sự là một sự thay đổi lớn, một bước tiến dài.
Với những hỗ trợ ban đầu của dự án đã góp phần thay đổi tích cực trong tập quán chăn nuôi của bà con Hre ở vùng cao huyện Ba Tơ. Người dân đã biết được cách nuôi nốt, không chăn thả rông, biết cách dự trữ thức ăn để trâu bò không đị đói trong mùa mưa rét, … Với những thay đổi tích cực đó đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc lạc hậu của đồng bào dân tộc Hrê, tăng thu nhập của hộ, giúp xóa đói giảm nghèo đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn./.
Phan Công Tam
Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung