Diễn đàn Doanh nghiệp với công tác phòng chống thiên tai
Theo báo cáo của VCCI Đà Nẵng, hiện nay có đến 50% doanh nghiệp tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên chưa hiểu biết về Luật phòng, chống thiên tai; 76% doanh nghiệp cho biết vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai là không tích cực và rõ rệt, … Đặc biệt, có đến hơn 67% doanh nghiệp chưa lập kế hoạch phòng chống thiên tai.
Nguyên nhân của thực trạng này là do: Hiệu quả thực thi pháp luật của Việt Nam chưa cao, khoảng cách rất lớn giữa ban hành và thực thi pháp luật. Chính sách và pháp luật hiện nay vẫn đặt nặng vai trò của nhà nước trong công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu mà chưa tận dụng các nguồn lực xã hội và sự tham gia của các khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp chỉ được nhìn ở khía cạnh là đối tượng đóng góp nguồn lực cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai mà chưa được tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương. Nhận thức và đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai tại doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu mang tính hình thức.
Tham dự diễn đàn, các doanh nghiệp đã được cập nhật những nội dung về tình hình triển khai thực hiện Luật phòng chống thiên tai 2013; tầm quan trọng của công tác thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và công tác quản lý rủi ro thiên tại tại doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất chính sách đối với nhà nước và các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai.
Nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn kiến nghị: Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện để cụ thể hóa một số điều, khoản của Luật phòng chống thiên tai liên quan đến sự tham gia của doanh nghiệp. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai, đầu tư cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực phòng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai để tìm kiếm lợi nhuận cho mình dựa trên sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội, ….
Ông Nguyễn Tiến Quang – Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng cho rằng: Về phía cộng đồng doanh nghiệp nên chuyển từ tư duy bị động “nước đến chân mới nhảy” sang tư duy “chủ động ứng phó thiên tai” (lồng ghép lập kế hoạch kinh doanh với kế hoạch ứng phó thiên tai). “Thay vì phải bỏ ra 7 đồng để khắc phục hậu quả của thiên tai thì hãy đầu tư 1 đồng cho công tác phòng ngừa” – ông Quang nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm kinh tế thế giới thiệt hại trung bình 250-300 tỷ USD do các thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra. Còn tại Việt Nam – quốc gia dễ bị tổn thương bởi các thảm họa tự nhiên, trung bình mỗi năm có khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, lũ, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở. Trung bình hằng năm, kinh tế Việt Nam phải gánh chịu khoảng 5,2 tỷ USD (1%GDP) do thiên tai gây ra.
Tin và ảnh: Lan Anh (theo Báo tài nguyên môi trường)
Bản tin gốc tai http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/201504/da-nang-dien-dan-doanh-nghiep-voi-cong-tac-phong-chong-thien-tai-tu-tu-duy-chinh-sach-den-hanh-dong-581872/index.htm