Bội thu rau trái vụ … bội niềm vui

Dưới giàn lưới chống nóng, những luống rau cải, rau dền mơn mởn non tươi dù thời tiết bên ngoài đang là 39 – 40 độ C. Vợ chồng anh Nguyễn Ba (thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gương mặt không giấu được niềm vui phấn khởi khi áp dụng thành công mô hình trồng rau ăn lá thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là một trong số những hộ mô hình thuộc dự án “Thích ứng Biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ với sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, trường Đại học Nông Lâm – Huế.

Phù hợp, dễ tiêu thụ, giá thành cao

Thời tiết vừa chuyển sang mùa nắng, những cánh đồng bao la là lúa chín của thôn Thu Bồn Tây sắp sửa gặt. Xa xa, thấp thoáng một số giàn đậu cove, người dân cũng đang khẩn trương thu hoạch đậu phụng (lạc). Sau vụ này, nhiều bãi đất sẽ bỏ hoang vì trời nẵng nóng, thiếu nước tưới. Những năm gần đây tình hình khô hạn gia tăng, trong khi thủy lợi còn chưa vươn tới khiến điều kiện lấy nước tưới, chăm sóc cây trồng ở vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, với kinh nghiệm trồng trọt của người dân một xã thuần nông thì việc trồng rau trái vụ sẽ dẫn tới hệ quả “mất cả công lẫn vốn”. Mùa nắng kéo dài hạn hán, mùa mưa kéo theo bão, lụt, … người nông dân không thể mãi “Trông trời trông đất trông mây”.

Biến đổi khí hậu gây nhiều tác động tiêu cực và đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp. Nhiều sáng kiến của cộng đồng nhằm thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá trong điều kiện bất lợi từ đó cung cấp nguồn sản phẩm ra bên ngoài là một hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu lấy Trẻ em làm trọng tâm tại Việt Nam” do tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ với sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, trường Đại học Nông Lâm – Huế và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngu tỉnh Quảng Nam. Dự án góp phần giúp người dân nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại 7 xã Bình Nam, Bình Hải, Bình Minh huyện Thăng Bình và các xã Duy Thu, Duy Tân, Duy Thành và Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình rau với tổng diện tích là 5,000m2 (mỗi hộ có 100m2). Gia đình anh Nguyễn Ba là một trong số 50 hộ tham gia xây dựng hình trồng rau ăn lá trái vụ thích ứng biến đổi khí hậu tại 7 xã thuộc tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian tham gia và áp dụng các qui tình kỹ thuật do dự án hướng dẫn, những luống rau trái vụ giờ đây đã mang lại hiệu quả kinh tế và đã khuyến khích tinh thần hang say trồng rau của gia đình anh. “Không trì trật như khi trồng các loại hoa màu khác, trồng rau an toàn trái vụ giúp gia đình anh Ba có thu nhập ổn định hơn. Lãi thu được khoảng 515 ngàn đồng trên 100m2 trong thời gian 1 tháng/1 vụ, cao hơn cây lúa gấp 4-5 lần” Ông Trần Trọng Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Duy Tân cho biết.

Anh Ba chia sẻ “Từ 100m2 ban đầu được dự án hỗ trợ giống, lưới, kỹ thuật, … gia đình nhận thấy được hiệu quả kinh tế nên đã mở rộng diện tích và tự làm thêm 500m2 nữa. Đến bây giờ, có những ngày gia đình cắt rau bán được 200 ngàn/1 ngày, ít cũng được 40,000 – 50,000 đồng/1 ngày. Mà rau cải cay, rau dền người dân rất thích ăn, có khi họ tới tận nơi lấy rau về luôn chứ vợ tôi cũng không cần phải mất công đưa ra chợ nữa”.

Niềm vui nắm bắt được kỹ thuật

Ngoài các kỹ thuật làm đất, xử lý đất trồng, nguồn nước, hạt giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh thì một trong những “bí quyết” thích ứng với nắng nóng mà anh Nguyễn Ba được hướng dẫn khi tập huấn là xây dựng nhà lưới. 100m2 lưới đen để giảm cường độ nắng và 100m lưới màn trắng chắn côn trùng được lấy từ nguồn hỗ trợ của dự án mà gia đình anh được hưởng lợi đang phát huy những ưu thế ượt trội.

Anh Ba cho rằng: “Trước đây, vợ chồng tôi phải dậy từ sáng sớm tinh sương để làm cỏ, tưới rau vì chỉ khoảng 9 giờ là trời đã nắng gay gắt. Còn bây giờ, có thể làm cả ngày vì có giàn lưới che, không chỉ cho rau mát mẻ, có điều kiện sinh trưởng tốt mà cũng bớt được bao giọt mồ hôi nhọc nhằn cho chúng tôi”. Ngoài ra, trồng rau trái vụ gia đình anh cũng sử dụng ít phân bón hóa học nên chi phí đầu tư thấp cộng thêm chất lượng rau cũng tốt đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Vùng đất pha cát nghèo như thôn Thu Bồn Tây nhiều năm qua đến mùa khô là người dân nơi đây thường bỏ hoang, nông nhàn. Giờ đây, với mô hình trồng rau ăn lá thích ứng biến đổi khí hậu anh Nguyễn Ba có thể tự tin duy trì canh tác quanh năm và có thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Với anh, niềm vui không chỉ là được dự án hỗ trợ và niềm vui bội phần khi anh đã nắm bắt được kỹ thuật do dự án chuyển giao để anh có thể tiếp tục gieo trồng nhiều vụ rau tươi tốt./.

Tác giả: Bảo Hòa

Một số ảnh minh họa

Ảnh 1: Mô hình gia đình anh được đón nhiều đoàn đến tham quan

Ảnh 1: Mô hình gia đình anh được đón nhiều đoàn đến tham quan

 

Ảnh 2: Lao động dưới giàn lưới giúp anh Nguyễn Ba đỡ nắng

Ảnh 2: Lao động dưới giàn lưới giúp anh Nguyễn Ba đỡ nắng

 

Ảnh 3: Thu hoạch rau của mô hình

Ảnh 3: Thu hoạch rau của mô hình

 

Ảnh 4: Hạnh phúc khi được dự án quan tâm

Ảnh 4: Hạnh phúc khi được dự án quan tâm

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *