THÔNG TIN VỀ Sự tham gia của người dân vào quy trình “giao đất giao rừng” được tăng cường và bảo đảm để đất rừng được chuyển giao công bằng

Tên hoạt động:

Sự tham gia của người dân vào quy trình “giao đất giao rừng” được tăng cường và bảo đảm để đất rừng được chuyển giao công bằng

Tác giả:

Các cơ quan đối tác liên quan và người hưởng lợi từ dự án  “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng tại huyện Tây Giang”, bao gồm:

  • Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang (UBND) và các cơ quan đối tác liên: Phòng NN-PTNT, hạt Kiểm lâm, phòng TN-MT và Ủy ban Nhân dân xã Bhalee;
  • Người dân thôn A tép 1 và A tép 2, xã Bhalee
  • Malteser International và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung

Đơn vị quản lý:

  • Ban Quản lý dự án huyện Tây Giang (Ban QLDA)
  • Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD)
  • Văn phòng Malteser International Đà Nẵng (MI)

Bối cảnh:  

Tây Giang là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Phía tây giáp Lào, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía đông và phía nam giáp huyện Đông Giang và huyện Nam Giang cùng tỉnh. Huyện có 10 xã, 70 thôn với diện tích tự nhiên 90.296,56 ha. Một số thôn nằm ở độ cao 1.300m và giao thông còn nhiều trở ngại. Dân số toàn huyện có 16.000 người, trong đó 96% là đồng bào dân tộc C’tu, với tỷ lệ hộ nghèo cao (69.69% năm 2011 và 45% năm 2014). Thiếu đât nông nghiệp do chương trình tái định cư trên quy mô rộng, thiếu lương thực, sức khỏe kém và hầu như không có thu nhập bền vững do canh tác không đúng cách và khó tiếp cận thị trường là những khó khăn chính của đồng bào C’tu nơi đây.

Một trong những vấn đề chính ở huyện Tây Giang là tình trạng giảm đất rừng ngày càng tăng do nạn đốt phá rừng trên diện rộng bởi nhiều nguyên nhân và khai thác cạn kiệt tài nguyên rừng, đặc biệt là các lâm sản phụ và những vấn đề khác. Hậu quả của việc này được thấy rõ qua các biểu hiện: xói mòn đất, mất đa dạng sinh thái, mất nguồn sinh kế từ rừng, kiến thức bản địa bị mai một, v.v… Ngoài ra, khí hậu địa phương thay đổi và hiệu ứng nhà kính gia tăng cũng cần được quan tâm.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang đã đề nghị Malteser International hỗ trợ địa phương giải quyết phần nào các vấn đề trên thông qua dự án “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng tại huyện Tây Giang”. Dự án được tổ chức thực hiện bởi sự hợp tác của UBND huyện, CRD và MI theo cách tiếp cận có sự tham gia ở mức cao nhất.  Một trong những hoạt động của dự án là giao đất giao rừng có sự tham gia cho hộ gia đình. Trong đó, UBND huyện Tây Giang cùng với Malteser International và CRD đã thực hiện thí điểm công tác “giao đất giao rừng có sự tham gia cho hộ dân” tại thôn A tép 1, A tép 2 xã Bhalêê vào tháng 05 năm 2012 đến tháng 06/2014 và đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho 90 hộ dân của 02 thôn thuộc xã Bhalêê với diện tích 607 ha là đất rừng sản xuất

Địa điểm và thời gian hoạt động được thực hiện:

Địa điểm: Thôn A tép 1 và Atép 2, xã Bhalêê

Thời gian: 2 năm, từ tháng 05.2012 -06.2014

Mục đích của hoạt động:

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ huyện xã trong công tác giao đất giao rừng có sự tham gia nhằm thực hiện tăng cường bảo đảm sự công bằng cho người dân

Mục tiêu của mô hình:

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ huyện xã trong công tác giao đất giao rừng có sự tham gia

Thực hiện thí điểm công tác giao đất giao rừng có sự tham gia

Sau khi giao đất giao rừng người dân và các tổ chức khác hỗ trợ nhằm sử dụng hiệu quả đất, rừng đã được giao cho hộ gia đình

Phương pháp:

  • Cách tiếp cận: Cách tiếp cận có sự tham gia của các ban ngành liên quan các cấp và cả cộng đồng được áp dụng từ bước xác định địa điểm, phương pháp, lập kế hoạch, thực hiện và giám sát đánh giá.
  • Các bước thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị

  • Khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện thí điểm
  • Lựa chọn thành viên tham gia: Ban chỉ đạo GĐGR; Tổ công tác; Hội đồng GĐGR
  • Thống nhất chủ trương, phương pháp thực hiện

Bước 2: Thực hiện

  • Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ công tác cấp huyện, xã;
  • Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm nông dân nòng cột cấp thôn
  • UBND xây dựng cơ chế và pháp lý hỗ trợ tổ công tác và nhóm nông dân nòng cốt
  • Người dân đóng góp công lao động: khảo sát địa hình; xác định ranh giới; đóng cọc mốc
  • Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng

Bước 3: Giám sát và đánh giá

  • Cung cấp thông tin của quá trình thực hiện
  • Góp ý từ các phòng ban chuyên môn và người dân được tham gia
  • Thảo luận và góp ý với các tư vấn và cơ quan chuyên môn cao hơn và bên ngoài địa phương
  • Hoàn thiện quy trình, công tác thực hiện và ban hành áp dụng từ UBND huyện trong thời gian tới

Tóm tắt hoạt động

Mô tả các can thiệp chính về mặt kỹ thuật/giải pháp:

Chiến lược can thiệp:

  • Thực hiện công tác giao đất giao rừng có sự tham gia
  • Thực hiện các kỹ thuật theo quy định của các văn bản Nhà nước hiện hành và có hiệu lực
  • Nâng cao năng lực cho cán bộ huyện cụ thể là cán bộ phòng TNMT; Trạm Kiểm Lâm và phòng Nông nghiệp & PTNT để họ trở thành đội ngũ chủ chốt chịu trách nhiệm công tác GĐGR của huyện, thay thế việc mời tư vấn chuyên môn từ bên ngoài (không hiệu quả, tốn nhiều kinh phí)
  • Tôn trọng lịch sử, văn hóa, phong tục và tập quán canh tác lâu đời của người dân
  • Tập huấn trên thực địa: lập ô tiêu chuẩn; sử dụng máy đo định vị (GPS), khảo sát, đo đạc, ghi chép thông tin điều tra

Kết quả: (hộ hưởng lợi; diện tích; số xã thực hiện, ..)

  • Hộ hưởng lợi trực tiếp: Cấp 331 thẻ đỏ cho 90 hộ gia đình (A tép 1: 53 hộ và A tép 2: 37 hộ), xã Bhalêê với diện tích giao 607 ha là đất rừng sản xuất

Hiệu quả: (kinh tế, môi trường, an sinh xã hội)

  • Khắc phục được tình trạng “giao đất cho trời trước đây” do tư vấn thực hiện, Phạm A-PCT UBND huyện Tây Giang
  • Sau 25 tháng thực hiện hoạt động, người dân đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng
  • Sử dụng ngân sách giảm hơn so với chi phí tư vấn bên ngoài để thực hiện công tác giao đất giao rừng
  • UBND huyện đã áp dụng quy trình giao đất giao rừng cho 6 xã vùng thấp của huyện Tây Giang thuộc chương trình Cao su, cụ thể: đã đo đạc: 1.646 ha đất rừng và đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 1 với 444,2 ha cho với 487 hộ hưởng lợi thuộc 6 xã Bhalee, Atiêng, Avương, Anông, Lăng và Giang (QĐ 2249; ngày 31/12/2014).
  • Các sở ban ngành tỉnh Quảng Nam đánh giá cao kết quả thực hiện và quy trình giao đất giao rừng có sự tham gia và ủng hộ quy trình này
  • Người dân còn hưởng lợi từ hoạt động phát triển rừng khi tham gia trồng cây bản địa theo chương trình hợp tác với WWF-Carbi, mỗi hộ sẽ được hưởng 12tr đồng/ha cho công chăm sóc, chưa kể họ có quyền sở hữu các cây này khi đến giai đoạn khai thác (5-7 năm đối với cây ngắn ngày; 30 năm đối với cây bản địa lâu năm)
  • Hạn chế mâu thuẫn phát sinh liên quan đến tranh chấp đất đai
  • Dưới đây là các đánh giá của người dân:
    • Rừng được giao cho hộ gia đình thực sự đúng người, đúng diện tích và đúng vị trí;
    • Người dân mong muốn được phát triển rừng sau khi đã giao là cây lâm nghiệp bản địa và sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn hơn trước đay;
    • Rừng được bảo vệ tốt hơn; hạn chế tình trạng đốt phá rừng bừa bãi

Tình trạng hiện nay (đã kết thúc, đang triển khai, nhân rộng)

Đến cuối tháng 6 năm 2014, UBND huyện đã kỹ quyết định giao đất giao rừng 331 thẻ đỏ cho 90 hộ gia đình với 607 ha rừng sản xuất , đơn vị chỉ đạo là phòng TN-MT và phối hợp với phòng NN-PTNT; hạt Kiểm lâm và UBND xã Bhalee

Dự án hiện vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho người dân bảo tồn và phát triển rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững

Ý nghĩa giảm nhẹ và bài học

Ý nghĩa giảm nhẹ

  • Rừng được giao bao gồm cả đất sản xuất nương rẫy và đất rừng tự nhiên cho hộ gia đình nên trách nhiệm bảo tồn và phát triển rừng được người dân tăng cường hơn
  • Rừng tự nhiên tiếp tục được phục hồi và giúp cho việc sạt lở đất sản xuất nông nghiệp
  • Sử dụng đất, rừng bền vững đem lại cho rừng tăng lên diện tích và tăng chất lượng rừng từ đó giảm tác động dòng chảy vào mùa mưa; tạo độ xốp cho đất vào mùa khô
  • Rừng được bảo vệ tốt hơn; hạn chế tình trạng đốt phá rừng bừa bãi

Tính đặc sắc và khác biệt với hoạt động truyền thống/thông thường

  • Sử dụng cán bộ huyện xã là nhóm nòng cốt giao đất giao rừng thay cho việc mời tư vấn bên ngoài thực hiện nhưng không trái quy định pháp luật của Nhà nước
  • Đất rừng được giao là đất sản xuất lâu đời của người đồng bào sinh sống lâu năm
  • Người dân được tham gia thực sự trong công tác ngoại nghiệp: lập ô tiêu chuẩn đánh giá trữ lượng rừng, sử dụng máy GPS

Bài học kinh nghiệm:

  • Nâng cao năng cho đội ngũ cán bộ giao đất giao rừng theo phương pháp: lý thuyết và thực hành theo từng nội dung
  • Tổ công tác huyện, xã phối hợp với nhóm nông dân nòng cốt nhằm tăng cường và chia sẻ công việc ngoại nghiệp
  • Tôn trọng và sử dụng kiến thực bản địa của người dân trong công tác ngoại nghiệp
  • Sử dụng mối quan hệ huyết thống, dòng họ và uy tín già làng để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tham gia

Khả năng nhân rộng:

  • Kiến thức và kỹ năng không khó với cán bộ của các phòng ban chuyên môn
  • Kinh phí sử dụng thấp hơn so với việc thuê tư vấn từ bên ngoài
  • Người dân sẵn sàng tham gia vì quyền lợi và trách nhiệm của họ
  • UBND huyện Tây Giang đã nhân rộng qui trình GĐGR đã tiến hành đo 1,654ha trong đó đã cấp 444,2 ha cho 487 hộ dân 6 xã Bhalee, Atiêng, Anông, Avương, Lăng và Giang theo quyết định 2279; ngày 31/12/2014. Hiện nay, UBND huyện đang hoàn thiện thủ tục để tiến hành cấp lần 2

Khuyến nghị:

  • Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ huyện xã trong công tác giao, khoán rừng phòng hộ cho hộ/ nhóm/ cộng động nhận khóa hoặc giao rừng
  • Hỗ trợ người dân phát triển các cây lâm nghiệp bản địa và kết hợp phát triển các cây lâm sản phụ, dược liệu
  • Xây dựng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững

Người cung cấp thông tin                                                                            

Người tư liệu hóa: Phạm Đình Hiện, CRD                  

Thêm bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *